Những ngày gần đây, người dân thôn Tân Tiến và Thượng Minh, Xã Tiên Nguyên, Huyện Quang Bình, Tỉnh Hà Giang đang sống trong không khí hân hoan, mong ngóng khi dự án xây cầu dân sinh trên dòng sông Nậm Poo đã được cấp phép và sắp chính thức bước vào khởi công xây dựng. Niềm vui dâng trào khi sắp được đi trên cây cầu mới – niềm mong ước bấy lâu không chỉ của hàng trăm hộ dân mà còn là kỳ vọng của cả địa phương về nhịp cầu kết nối giao thông nông thôn, xóa đói, giảm nghèo đang dần trở thành hiện thực.
Dòng Suối Nậm Pô như một dải lụa, chảy vắt qua thôn Tân Tiến và Thượng Minh. Nậm Poo như gắn liền với đời sống người dân nơi đây bởi lẽ mọi hoạt động như trao đổi hàng hoá, đi chợ phiên, lên nương rẫy,… của người dân đều phải đi qua con suối này. Còn đối với những em học sinh, hàng ngày phải đi học qua con suối thì dường như đã thuộc lòng từng tảng đá, hòn cuội.
Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ thì dòng suối lại chuyển mình hung dữ, nước lũ dâng cao có thể cô lập mấy trăm hộ dân trong vùng. Vào mùa mưa lũ, để đến được trường lớp, các em học sinh nơi đây phải đi theo con đường vòng dài đến hàng chục cây số. Có những hôm mực nước dâng cao, các em phải nắm tay nhau lội qua vì sợ bị nước cuốn trôi, nhiều lúc bị ướt hết sách vở, người cũng ướt hết. Hôm nào mưa to quá, bố mẹ không dám để các con đi học vì mực nước ngập cao, không đảm bảo an toàn. Chính vì vậy cây cầu mới là ước mơ nối dài tri thức cho trẻ em trong vùng sẽ không còn phải nơm nớp lo sợ bị lũ cuốn trôi. Hoạt động kinh tế của người dân và việc học của trẻ em tại đây sẽ ổn định hơn. Hành trình xóa đói giảm nghèo cho địa phương từ đó cũng bớt gian nan hơn rất nhiều.
Với cái duyên được biết đến ước mơ giản dị của bà con nơi đây, Chùa Trung Tự – Hà Nội, nhóm Thiện nguyện Búp Măng Non, nhóm Nhịp cầu Hạnh Phúc, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Khang Việt cùng các nhà hảo tâm đã phát động giúp xây dựng cầu Thượng Minh qua suối Nậm Poo.
Đoàn tiền trạm chúng tôi tới nơi khi trời đã sang chiều, rất nhiều người dân đã đứng chờ ở đó từ lâu khi nghe có đoàn về khảo sát,
“Cháu ơi bao giờ cầu được xây thế? ” – Một cụ bà người Dao, miệng móm mém với giọng lơ lớ hỏi tôi?
Rồi thì cậu thanh niên chạy xe qua dừng lại nhìn chúng tôi lúc lâu rồi cười khoái chí: “Vậy là 3 đứa con em sắp không phải đi bộ xa nữa rồi, vợ e đi bán khoai, sắn, củi cũng gần hơn nhiều lắm các cán bộ ơi.”
Có lẽ sự mải mê đo đạc, tính toán của chúng tôi dường như đã nhen lên trong lòng những người dân nơi đây những hy vọng thật giản dị mà thật mãnh liệt.
Những mong mỏi về tương lai tươi sáng của người dân, những niềm vui trong veo của đám trẻ thơ miền núi khi cây cầu trong mơ sắp thành hiện thực càng tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình ý nghĩa, cũng như kêu gọi các quý tấm lòng hảo tâm chung tay, góp sức để xây dựng cây cầu hơn 20m, với Tổng chi phí là hơn 500 triệu đồng, hỗ trợ ước mơ thiết thực của bà con nơi đây.
Tiên Nguyên, tháng 03 năm 2020