Búp Măng Non 2 – Tủ Sách Ước Mơ, Cùng Em Tới Lớp

Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi trở lại với những công việc thường nhật, nhưng khi nhắc đến Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Huồi Mới, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An thì những ký ức của chuyến đi vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức mỗi thành viên.

Có lẽ rằng phải đến tận nơi, phải tận mắt chứng kiến, mới có thể hiểu hết được cuộc sống khó khăn của các em nhỏ nơi đây. Với địa hình đặc thù, giao thông khó khăn khiến ngôi trường như bị cô lập, người lớn thì vào rẫy từ khi “con gà còn bé đến khi con gà to mới thấy về”, trẻ con thì đứa lớn chăm đứa bé như chăm con gà con lợn ngoài nương, nhà nào trẻ còn chưa tự lo cho mình được thì “bữa ăn nhà này bữa ăn nhà khác”, đến trường thì mang muối theo để nấu với nước suối làm canh chan ăn cơm cho dễ nuốt… Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, từ cái ăn đến cái mặc, áo quần không đủ nên mùa đông hay mùa hè một bộ như nhau, ba bốn em học chung một cuốn sách, thiếu thốn đủ bề.

Điểm trường mà chúng tôi tới trong chương trình Búp Măng Non 2 lần này là Huồi Mới 2 của trường Tiểu học Tri Lễ 4. Phương tiện duy nhất mà chúng tôi có thể sử dụng để di chuyển được là xe gắn máy. Quãng đường từ Ủy ban xã Tri Lễ tới điểm trường dài hơn 20 cây số, là hơn ba tiếng đồng hồ gồng mình để vượt qua những đoạn đường đá lởm chởm, hố voi, sống trâu hay những đoạn đường ngập nửa bánh xe bùn lầy đặc quánh. Phải những người đã cả chục năm cắm bản nơi đây mới đủ khả năng giữ vững tay lái trên đoạn đường này. Đó là chưa kể những quãng đường lên đèo, xuống dốc cheo leo men theo các sườn núi, chúng tôi phải xuống dắt bộ xe vì đường quá trơn và nguy hiểm. Nghe các thầy kể, những ngày trời khô ráo thì mới có thể đi một mình. Còn những ngày mưa gió, mù sương thì bắt buộc phải có 4-5 người đi trên 2-3 xe để hỗ trợ nhau. Trên miền sơn cước không có sóng điện thoại này sợ nhất là trời mưa và sương mù vì mưa khiến đường trơn trượt, sương mù khiến tầm nhìn hạn chế, rất dễ xảy tai nạn. Nếu đang đi không may gặp trời mưa to, các thầy phải dùng những đoạn xích xe máy hỏng quấn chặt lấy lốp nhằm tăng ma sát để bám đường chắc hơn, nhất là khi từ đỉnh dốc dựng đứng xe đi như “trôi” tuồn tuột xuống. Mỗi lần có việc ra huyện đi họp hoặc ra mua lương thực, thực phẩm các thầy luôn mang theo túi “hồ lô”. Túi “hồ lô” này được các thầy cắt từ ống quần dài đã cũ, cột chặt hai đầu để đựng cờ lê, mỏ lết, bu di, bơm xe, miếng vá…

Đặt chân đến điểm trường, lọt vào mắt chúng tôi là hai dãy nhà lớp học được ghép bằng những tấm ván mỏng thủng lỗ chỗ. Mưa và sương xuống thì các em học sinh ngồi tránh chỗ dột để học. Chiếc cổng đơn sơ được dựng lên bằng hai thanh gỗ cũ sờ vì mưa nắng nối hai dãy hàng rào được cắm tạm bằng những miếng gỗ ván thừa lởm chởm tạo thành khuôn viên sân trường. Trường có tất cả 5 lớp, mỗi lớp là một khối từ lớp 1 đến lớp 5, tổng học sinh 151 em học sinh. Đến lớp có khi chỉ đạt 50% hay thấp hơn nữa vào những ngày mưa gió. Khó khăn là thế, thiếu thốn là vậy vậy mà bao năm qua, các thầy giáo vẫn kiên trì cắm bản, miệt mài đem yêu thương, sự tận tâm mang con chữ đến với các em học sinh dân tộc nghèo nơi đây.

Sau bữa cơm chiều đạm bạc với đặc sản măng rừng, rau dại hái bên rìa bờ suối, cả đoàn chúng tôi được quây quần cùng các thầy giáo, các em học sinh cùng người dân bản bên ánh lửa hồng, chung nhau uống ngụm rượu cần mới cất, đắm mình trong tiếng hát, tiếng khèn giữa đất trời bao la. Men rượu, tình người quyện vào nhau trong tiếng cười, trong những cái siết tay, thật khó có từ ngữ nào diễn tả hết cảm xúc và tình cảm của những con người nơi đây…

Nhóm thiện Nguyện Búp Măng Non, 12/03/2016

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bài mới qua email