THIỆN THUẬT- HÀNH TRÌNH “CHẠM TỚI YÊU THƯƠNG”

Nối tiếp chặng đường 5 năm của CLB Thiện Nguyện Búp măng non (BMN) tới khắp mọi miền trên dải đất hình chữ S thân thương, chúng tôi lại lên đường về với bản làng, nơi các em nhỏ và người dân còn gặp vô vàn khó khăn. Chuyến đi ghi nhận thông tin lần này, đoàn BMN có 3 thành viên tham gia trải nghiệm về với trường tiểu học Thiện Thuật- xã Thiện Thuật- huyện Bình Gia- tỉnh Lạng Sơn.

Nơi đây, 100% là dân tộc thiểu số Tày và Nùng, hơn với hơn 80% hộ nghèo. Đây không phải là chuyến đi thiện nguyện đầu tiên của tôi, càng không phải lần đầu trải nghiệm trên cung đường đồi núi hùng vĩ mà vô cùng nguy hiểm, nhưng lại là chuyến đi đặc biệt với tôi, để lại nhiều cảm xúc khó phai, bởi lẽ tôi là một trong 3 thành viên sẽ tham giá vào chương trình BMN 10 để ghi nhận và chia sẻ thông tin, kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các nhà hảo tâm cũng như các tổ chức tập thể, cá nhân cho các trẻ em dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn này. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Bến xe Mỹ đình, và phải mất 6 giờ di chuyển bằng xe khách mới đến được trung tâm xã Bình Gia. Lúc này đã là đêm muộn, chúng tôi vừa mệt và đói. Theo dự kiến, sẽ nghỉ đêm tại Bình Gia và sáng hôm sau sẽ vào điểm trường. Nhưng sau khi nhận thông tin từ cán bộ xã cũng như bác tài xế, thì chúng tôi nên đi ngay trong đêm mới kịp giờ cho lịch trình hôm sau bởi từ đây vào tới điểm trường chỉ có 20km, nhưng đường đồi núi, và di chuyển rất khó. Vậy là, anh em tôi lại chuyển xe khách nhỏ hơn, tiếp tục cuộc hành trình. Quả như chia sẻ của bác tài xế, đường đi vào sâu trong bản càng khó khăn, sương mù che lấp tầm nhìn và không gian yên tĩnh đến lạ. Chúng tôi đã bắt đầu thấm mệt và đói, nhưng câu chuyện giữa chúng tôi và bác lái xe khiến quãng đường dường như ngắn lại. Như đã liên hệ từ trước, Đón chúng tôi là anh Hoàng Kiến Thiết- Bí Thư đoàn xã và Thầy cô. Cảm nhận đầu tiên là tình cảm nồng hậu, chúng tôi được tiếp đón như những người con xa nhà trở về, với những cái bắt tay và ánh mắt thân thương đến lạ. Cuộc trò chuyện lại diễn ra ngay trong đêm, sự chia sẻ của Thầy cô về hoàn cảnh các em nhỏ, về cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều thiếu thốn khiến chúng tôi nóng lòng mong được gặp các em hơn bao giờ hết. Sáng sớm hôm sau, anh Thiết cùng thầy Hoàng Văn Toán- Hiệu trưởng trường TH Thiện Thuật II đã chờ sẵn chúng tôi ở cổng UB Xã. Sau cái bắt tay và giới thiệu thân tình, thầy Toán giới thiêu sơ lược về những điểm trường mà đoàn sẽ tới thăm. Đó là điểm trường Thiện Thuật II ( hay còn gọi là trường Khuẩy Khuy), điểm trường Pắc Luống và trường Khuổi Hắp. Chúng tôi lên đường cùng thấy Toán trên 3 chiếc xe máy và hơi chút e ngại khi thầy chia sẻ rằng: quãng đường không quá xa, nhưng đủ để các bạn trải nghiệm hết các cung bậc cảm xúc đấy. Chỉ duy nhất điểm trường chính Khuổi Khuy vừa mới được nhà nước và các tổ chức từ thiện đầu tư xây mới với 4 phòng học bê tông, còn lại 2 điểm trường kia vẫn hoang sơ lắm. Rất may thời tiết hôm nay ủng hộ chúng tôi, đường đi khô ráo, và những đoạn bùn lầy cũng đã se lại. Vậy mà, chúng tôi cũng thật khó khăn mỗi lần qua những khúc cua, những dốc leo gập ghềnh. Qua lời thầy Sinh- tại điểm trường Khuổi khuy thì: hơn 10 năm dậy học, em và các thầy cô nơi đây luôn tâm niệm rằng: muốn bản làng mình thoát đói nghèo, muốn thế hệ con em được xóa mù thì không ai khác, chính thầy cô phải là những người tiên phong trong công cuộc xóa giặc đói, giặc dốt, phải bám trường bám lớp, động viên các em không bỏ học giữa chừng. Rất vui hơn 2 năm qua, các lớp cấp tiểu học không một học sinh nào nghỉ học và dù lớp 1 ở điểm trường Khuổi Hắp chỉ có 2 em học sinh lớp 1, thầy cô và các em vẫn cố bám trường bám lớp. Nơi đây, 100% thầy cô tham gia giảng dậy, nhà đều cách điểm trường ít nhất 10km đường đèo. Có thầy cô cả vợ và chồng đều dạy học, mỗi người một điểm trường. 1 hoặc 2 tháng mới về nhà thăm con 1 lần, và sáng sớm hôm sau lại vội vã quay lại trường, khi núi rừng còn dày đặc hơi sương, con thơ vẫn còn đang say giấc. Có những điểm trường đường đi và cơ sở vật chất quá khó khăn, chỉ có các thầy đứng lớp, các cô thì được ưu tiên dạy tại trường mà đường đi thuận tiện hơn. Sau 30 phút trải qua con đường đất lầy lội, qua nhũng đoạn đường chỉ là lối mòn vào sâu trong rừng, 4 thầy trò chúng tôi dừng xe tại điểm trường thứ 2: trường TH Khuổi Hắp.Trước khi bước vào sân trường, thầy hiệu trưởng nói với chúng tôi rằng các em đang có buổi chào cờ đầu tuần. 3 chúng tôi rất lấy làm hào hứng bởi lẽ đây là lần đầu được dự buổi lễ chào cờ với các em. Chỉ khoảng 5 bước chân, qua cái cổng trường được dựng bằng 2 cọc tre và tấm biển sắt đơn sơ, chúng tôi đã có mặt tại giữa sân trường. Nói như vậy để các bạn biết rằng diện tích trường rất bé . Gọi là trường nhưng chỉ như một nhà dân, cơ sở vật chất thì không có gì ngoài bàn ghế mới được hỗ trợ. Lớp học thì vẫn được dựng bằng những tấm ván, rộng hoác huơ, những cơn gió lạnh đầu mùa thỉnh thoảng lại thổi vào khiến bọn trẻ co ro.

Trước mắt chúng tôi là hơn 30 em học sinh, đang ngồi rất ngay ngắn, chăm chú nghe thầy giáo nhận xét về tuần học vừa qua: không loa đài, không trống đội, không băng rôn biển bảng cờ hoa, chỉ đơn sơ vậy thôi. Chúng tôi được mời lên chia sẻ với các em về dự án sắp tới của BMN, về những phần quà và những suất học bổng sẽ được trao, khuôn mặt bọn trẻ rạng rỡ lắm. Anh Tuyền, thành viên trong đoàn chia sẻ cảm xúc khi được tham gia lễ chào cờ đầu tuần đặc biệt này, khiến những ký ức tuổi thơ ùa về trong anh. Còn với tôi, hình ảnh các em nhỏ ngồi bên dưới sân trường nền đất, với ánh mắt thơ ngây chăm chú, khuôn mặt lấm lem nứt nẻ, với những bộ đồng phục đã cũ sờn, với những đôi dép lê cái lành cái rách. Tôi đã không thể cầm lòng. Cảm xúc nghẹn ngào của một người mẹ dâng trào trong tôi. Bất chợt, tôi nghĩ về con mình, về những đứa trẻ thành phố, đang được sống và học tập trong điều kiện đủ đầy. với trường lớp khang trang, với điều hòa, với máy chiếu, với những lớp học thể chất hiện đại, với những bộ quần áo trắng mới, những đôi giày dép đắt tiền, những chiếc cặp sách thật đẹp và những bữa cơm ở lớp đầy đủ chất. Còn bọn trẻ ở đây, chúng có gì? Chúng chỉ mong ước được mặc ấm, được ăn no, có đủ dụng cụ học tập và được ngồi trong những lớp học xây kiên cố để không lo những ngày mưa rét. Mong những đoạn đường từ nhà đến trường được trải bê tông,để không còn vất vả thức giấc từ mờ sáng tới trường. Thầy cô giáo cho biết thêm: lớp học vẫn phải học ghép, phần vì học sinh ít, phần vì không đủ lớp học cho các khối lớp. Những lớp học mới được hội từ thiện xây mới thì dành ưu tiên cho các em lớp 1, lớp 2. Các anh chị lớn vẫn học lớp dựng bằng đất hoặc lán. Tội nhất là các anh chị lớp lớn xin thầy cô được ngồi học trong lớp mới cho thỏa lòng mong đợi. Nghĩ mà thương quá anh chị ạ. Nói đến đây, giọng cô Phương- điểm trường Khuổi Hắp trùng xuống: chúng em ở đây chẳng mấy khi được mặc bộ quần áo đẹp đến trường. phần vì học sinh còn nghèo quá, sợ chúng nhìn mình mà tủi thân, phần vì vào những ngày mưa, đường từ nhà đến trường quá xa, đến những đoạn đường sạt lở hoặc bùn lầy, chúng em phải dừng xe cuốn xích vào lốp xe để tạo ma sát tránh trơn trượt rồi lại đi tiếp. đến được trường, thì cả người và xe lấm lem bùn đất. Nhưng thấy bọn trẻ đã ngồi ngay ngắn trong lớp, từ ôn bài và bắt nhịp hát chờ thầy cô, mọi mệt mỏi lại tan biến. đó chính là lý do khiến thầy cô chúng em coi học sinh như con, coi lớp học là nhà và coi núi rừng như một phần máu thịt không thể rời xa. ​Một ngày trải nghiệm trên con đường tới trường từ tờ mờ sáng và nghe thầy cô chia sẻ, cảm nhận những khó khăn còn chồng chất nhưng tinh thần học tập và giảng dạy của thầy trò nơi đây, để lại trong chúng tôi những cảm xúc khó tả bằng lời. Chia tay với thầy cô cả đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, chia tay những hình ảnh mộc mạc đơn sơ đến nao lòng của những lớp học, chia tay những đứa trẻ vẫn từng ngày đang cố gắng trong học tập để làm chủ tương lai, xây dựng quê hương . Chúng tôi trở về thành thị phồn hoa. Lại một câu hỏi lớn theo chúng tôi: tương lai tươi sáng nào cho các trẻ em vùng cao nghèo khó này?! Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tình yêu nghề của thầy cô giáo. Còn là sự chung tay sẻ chia của tất cả chúng ta, của toàn xã hội, trong đó có CLB Thiện Nguyện BMN, có những tấm lòng cao đẹp của anh chị, có tất thảy những trái tim mong muốn cùng nhịp đập yêu thương. Thiện Thuật- hẹn ngày trờ lại với rất nhiều hơi ấm tình thương!

Nguyễn Hồng

Nguyễn Hồng

Thành viên ưu tú

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bài mới qua email