Ánh trăng trên Bản mùa xuân – Trải nghiệm khó quên trên hành trình tìm vào tâm lũ

Hành trình đã kết thúc một ngày rồi, mà dư âm vẫn còn nguyên như ngày hôm qua. Nhưng tôi sẽ không nói về bản Mùa Xuân nữa. Bởi chỉ một click chuột trên Google bạn sẽ thấy những từ ngữ trọng điểm dành cho bản vùng biên Việt Lào và nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá: “Không điện – không đường – không trường – không trạm” và mới có sóng viettel phủ tới, thì bạn đã đủ hình dung ra sự nghèo đói, lạc hậu và dường như quá cách biệt với thế giới văn minh, thế giới phẳng ở ngoài kia.

Tôi muốn nói với các bạn về một Mùa xuân khác, một Mùa xuân chúng tôi được thấy, được cảm nhận trên hành trình đi của mình.

 

Hạt Mùa xuân bắt đầu được ươm khi chúng tôi được biết tin về trận lũ quét tràn qua bản, chia cắt và cô lập bản nghèo vốn sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, sắn, làm lúa nương rẫy và hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ thiên nhiên. Bao mái nhà sàn vốn đã tuềnh toàng, cơn lũ quét qua đổ sập luôn, người mất tích, cắt cả thông tin liên lạc của bản với bên ngoài…. Hành trình hướng về Bản Mùa Xuân đã được Búp măng non lên ngay sau đó, rất gấp và hoàn toàn không nằm trong chương trình định kỳ như mọi năm.

Hành trình đến với Bản Mùa Xuân

Qua 3 tuần, được sự hỗ trợ ủng hộ của các Nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, và đặc biệt là sự hỗ trợ của Viễn thông Thành Hóa (VNPT Thanh Hóa) về tài lực, vật lực, chuyến xe Mùa xuân đã lăn bánh bắt đầu từ 8g tối ở Hà Nội. Theo suốt chặng đường 6 giờ đồng hồ từ Hà Nội vào thị trấn Quan Sơn là ánh trăng tròn sáng vằng vặc. Trăng đẹp tới nỗi cả đoàn háo hức mở rèm xe cho ánh trăng lọt qua khung cửa, để đắm mình vào thứ ánh sáng kỳ diệu, trang nhã, mà bao ngày bao tháng ở nơi đô thị chỉ quen với đèn cao áp. Có người không cầm lòng được mà thốt lên cảm thán: không biết bao lâu rồi mới được nhìn thấy trăng, có người thì cứ ngồi yên đó mà nhìn mãi ra cửa sổ, ngước lên nhìn xem trăng có chạy theo xe không…. Hành trình dài nhưng không mệt, chỉ thấy lòng vừa háo hức vừa yên ả đến lạ.

Vốn đã lên dây cót tinh thần từ nhà, chỉ ngủ đêm 3-4 tiếng, sáng dậy sớm để cho kịp hành trình 7 tiếng đồng hồ đi bộ từ trung tâm xã vào bản như đã định để còn kịp vào bản làm chương trình theo kế hoạch, nên chúng tôi ai nấy đều tươi tỉnh, tư trang gọn gàng, giầy thể thao, giầy bộ đội sẵn sàng hành quân. Mùa xuân theo chân chúng tôi từ đó.

Dù đã xem qua ảnh tiền trạm của các bạn địa phương gửi về, dù biết chuyến đi vô cùng khó khăn, dù đã chuẩn bị cho mình tinh thần “thép” nhất có thể, nhưng khi thực mục sở thị con đường đất bùn lầy, leo dốc, đá lởm chởm và có nhiều đoạn, chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét – con đường một bên núi, một bên vực – mà nếu bánh xe không đi đúng cái vết xe mà nhờ trời nắng đã thành hình, nếu chỉ trượt bánh một chút là sẽ lăn xuống vực ngay… Chúng tôi mới hiểu được một phần nguyên nhân bản bị cô lập, cả ngày thường thường hay đặc biệt khi bão về, là do đường đi lại quá khó khăn. Không ai kêu than rằng con đường còn kinh khủng hơn cả trên ảnh. Chân dồn bước thêm & mắt nhìn nhau như thấu hiểu chúng ta cần đến nhanh nơi đó.

Nhìn các chàng trai bản, đi xe máy xuống hỗ trợ đoàn chở đồ cứu trợ lên, liên tục cười cùng đoàn, anh chị em chúng tôi lại hò nhau cố lên, cố lên. Tới chỗ mát thì nghỉ, thậm chí, còn đùa vui và hát vang lên, mặc cho bùn sình lấm lem dưới đế giầy, mặc mồ hôi không ngừng rơi…

Quãng đường hơn 20km vào bản, là quãng thời gian chúng tôi vừa phải cân bằng hít vào – thở ra điều độ để dưỡng sức, vừa phải ghi nhớ bằng mắt cảnh vật thiên nhiên quá hoang sơ nhưng lãng mạn đến không ngờ và vừa phải ghim lại cảm xúc của mỗi đoạn đường qua, dù ngắn nhưng cung bậc hoàn toàn khác nhau. Có khi đoạn đường đi bộ vô cùng thoải dài và mát mắt với màu xanh non mướt. Nhưng ngay đó lại là đoạn dốc đá lởm chởm gồ ghề.

Vừa băng qua đoạn bùn sình lầy lội, dù nắng gắt mấy ngày cũng chỉ kịp hơi se se mặt bùn là vạt ruộng bậc thang nhìn xa xa như thảo nguyên bên bển. Vừa đứng giữa hai hàng tre trúc xanh cao vút chụp ảnh siêu đẹp thì lại phải băng qua một con suối đá lởm chởm và nước đục ngầu không rõ nông sâu. Leo dốc lên, bạn được gặp ngay một cao nguyên dưới nắng vàng (dù thực tế là gay gắt) với một vạt đầy hoa xuyến chi mong manh tựa bên bên vực, nổi bật sự dịu dàng mong manh nhờ màu xanh thẳm xa xa của núi và rừng cây.

Quá đỗi bất ngờ, không kịp rút máy ra để quay ghi lại thì hai tay bắt đầu phải bám chặt lấy gờ xe đằng sau vì xe lại bắt đầu xuống dốc. Đi số 1 (hộp số xe máy), tới nỗi tay đỏ lừ lên, thậm chí mấy bạn nam đi phải xe không có gờ để chân, thì phải bám chặt tới nỗi trầy cả da tay… Ấy thế mà, chẳng thấy sợ chi cả. Chỉ thấy ngạc nhiên xen lẫn cảm phục tài lái xe điệu nghệ và vô cùng chắc chắn của các chàng trai bản. Lẽ ra các chàng trai ấy chỉ chở hàng thôi, nhưng vì thương các anh chị của đoàn, nên cứ đoạn nào đi được lại chờ để chở các anh chị đi cho đỡ mệt. Bạn chở tôi còn kể thêm, nếu mưa quá không đi được thì chúng em lại đi bộ cùng anh chị.

Gần 4 tiếng đồng hồ từ lúc xuất phát, chúng tôi bắt đầu đến được địa phận bản Mùa Xuân. Bản chẳng đẹp như cái tên vốn có, thậm chí còn xấu đi nhiều sau cơn bão (như lời bạn chở tôi nói). Gặp ai chúng tôi cũng vẫy tay “xin chào”. Bạn lái xe phải “phiên dịch” ngay sau đó. Bởi ở bản, không phải ai cũng biết và hiểu được tiếng Kinh. Ở nơi mà chính phủ phải trợ cấp gạo đến 7 tháng trong một năm, thì con người ta chỉ nghĩ đến cách cho đỡ đói, hết đói, chứ không nghĩ được gì xa nhiều hơn cả.

Rồi trường tiểu học Sơn Thuỷ khu Mùa Xuân đã hiện ra tầm mắt bên cạnh dòng suối. Ngôi trường khiêm tốn với 2 dãy nhà màu cũ kĩ, là lớp học & chỗ ở luôn của các thầy cô.

Trường Tiểu học Sơn Thủy – khu Mùa Xuân

Hình như hôm nay là dịp rất đặc biệt, nên nhiều em mặc áo trắng. Nhưng ánh nhìn vẫn lấm lem và ngại ngùng không dám vồ vập dù các cô chú lại gần với nụ cười rất tươi để làm quen. Rồi cả các thầy cô cũng thế, dường như rất lâu mới được đón khách, thầy Hùng cứ đi đi lại lại, chăm chăm nhóm bếp đun nước với lí do lát cho các cô chú còn úp mì.

Quên cả mệt mỏi, anh chị em chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc. Người phân loại sắp xếp quà, người lắp đèn ông sao, người căng phông bạt, người trang trí cổng vòm. …. loáng một cái, ngôi trường đã lấp lánh xanh đỏ với bao màu sắc tươi tắn rộn ràng. Các thầy cô bảo, chắc trung thu này là trung thu vui nhất của thầy cô, các em và dân bản. Bởi trước giờ, cũng có đoàn vào hỗ trợ, nhưng chưa đoàn nào ở lại cả, chưa bao giờ trường được trang trí thế này, các em không biết bánh trung thu là gì….

Ánh Trăng Trên Bản Mùa Xuân

Rồi “Ánh trăng trên bản Mùa Xuân” được bắt đầu với những bài tình ca từ những giọng ca không chuyên nhưng đầy nhiệt huyết làm không khí rộn ràng như lễ hội. Bà con xếp hàng không ồn ào và ngắm nhìn say xưa những vị khách mới lạ bằng ánh nhìn vừa e dè, vừa tò mò, rồi khi bị bắt gặp thì nhoẻn miệng cười ngượng.

Từng phần quà yêu thương được trao tới tận tay từng hộ gia đình lần lượt, rất nghiêm trang, chỉn chu và vô cùng thân ái. Áo ấm, bánh kẹo, sữa, đồ dùng học tập và cả học bổng được trao cho các em học sinh. Đèn ông sao, mặt nạ, đèn cù và rất nhiều món đồ chơi các em chưa thấy, chưa được chơi bao giờ được trao lại các em. Nhìn các em say sưa mân mê món đồ chơi, nhìn bà con nhìn nhau cười nói, chúng tôi cảm giác mình đang ở một lễ hội nào đó của dân bản, vô cùng gần gũi & ấm áp.

Bởi yêu thương đã đến được với nơi cần yêu thương và được đáp lại bằng yêu thương một cách giản dị mà chân thành nhất. Chỉ là điệu nhảy tự do, vừa nhảy vừa sáng tác cũng được bà con hò reo cổ vũ hân hoan. Chỉ là vài loại kẹo bánh bày biện đơn sơ cùng mấy cây nến cũng đủ níu chân bà con dự tiệc trung thu và múa hát tưng bừng tới đêm khuya thật khuya….

Hành trình của trái tim

Tôi lẽ ra không dự đi chuyến này, bởi e ngại sức khoẻ của mình sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ hành quân của đoàn. Rồi anh Trưởng đoàn động viên, anh chị em động viên…. Khi đã hoàn thành chuyến đi rồi, tôi mới thấy, nếu không tham gia, tôi sẽ ân hận vô cùng. Không phải bởi tôi đã đi được đến đâu, vượt qua hành trình thế nào, mà bởi vì, tôi thấy được mùa xuân trên hành trình tôi đi, mà nếu ở nhà, tôi sẽ không bao giờ thấy được.

Tôi thấy lại được không khí trong lành và tinh khôi của mẹ thiên nhiên giữa nơi hoang sơ, lầy lội khi nghe tiếng suối chảy và khi thấy bóng nắng tắt qua bên kia đỉnh núi. Tôi thấy được tinh thần lạc quan tràn đầy sinh lực dưới gót giầy lấm lem bùn đất. Tôi thấy được lòng dũng cảm và sự bình tĩnh đối diện với chông gai gồ ghề. Tôi thấy lại sự lãng mạn và yêu đời khi đi dưới ánh trăng, giữa rừng mà hát ca vang (chẳng sợ ma rừng). Hơn hết cả, tôi đi để thấy còn quá nhiều nơi khổ hạnh để trân trọng hơn cuộc sống hiện tại của mình. Tôi đi để thấy còn nhiều nơi cần mình chung tay, cần mình dũng cảm đi đến, để kết nối, để nối dài sợ dây thân ái.

Tuổi trẻ của mình, hãy dũng cảm ra đi.  Hãy hân hoan trao đi để đón nhận mùa xuân về. Tôi biết, có thể “mùa xuân” của các em sẽ qua nhanh lắm, cũng có thể chưa về, nhưng tôi cũng biết, “mùa xuân” của tôi thì mãi ở đây, nơi ngực trái này.

Tôi đã đọc được ở đâu đó rằng: “Mặt trời chiếu sáng vô tư khắp tất cả, không khởi ý làm từ thiện mà cung cấp năng lượng sự sống, nguồn vitamin D, nhiệt độ cho muôn loài. Mặt trời cũng hủy diệt vi khuẩn, ngăn ngừa dịch bệnh cho vô số người. Nếu cộng lại những ích lợi từ giá trị của mặt trời thì ta sẽ thấy dù chỉ đứng yên, xoay quanh quỹ đạo của mình, không cần chạy đôn chạy đáo đi giúp đỡ ai mà mặt trời tự động tỏa sáng, làm từ thiện lớn”. Chúng ta không là mặt trời. Nhưng chúng ta cũng có thể lan toả giá trị của chính chúng ta, bằng chính tuổi trẻ, bằng chính nhiệt huyết của chúng ta.

“Nơi nào cần, ta tới
Nơi nào gọi, ta đi”

Cảm ơn mọi nhân duyên trong đời. Cảm ơn vì đã cho tôi biết Búp Măng non, được làm bạn với Búp Măng non và được đồng hành cùng Búp măng non trong những hành trình đầy tươi đẹp.

Hoàng Hương.

Picture of Nguyễn Hồng

Nguyễn Hồng

Thành viên ưu tú

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bài mới qua email